Hình thức Inbound Marketing đang dần trở thành xu hướng tiếp thị trực tuyến phổ biến hiện nay. Inbound Marketing có khả năng thu hút lượng lớn khách hàng tiềm năng, giải quyết được các vấn đề mà họ gặp phải, tạo niềm tin, thiết lập mối quan hệ bền vững giữa khách hàng với doanh nghiệp.
Vậy Inbound Marketing là gì? Inbound Marketing (tiếp thị trực tuyến) khác gì so với Outbound Marketing (tiếp thị truyền thống) ? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Inbound Marketing được hiểu như thế nào?
Khái niệm Inbound Marketing
Inbound Marketing là phương pháp kinh doanh thu hút khách hàng bằng cách tạo ra những nội dung và trải nghiệm có giá trị phù hợp với họ, giúp họ giải quyết những vấn đề đang gặp phải.
Inbound Marketing sử dụng nhiều hình thức tiếp thị khác nhau như: SEO, Content Marketing, Social Media, Email marketing, Website… nhằm mục đích nâng cao nhận thức về thương hiệu, cung cấp cho khách hàng những thông tin hữu ích, thỏa mãn nhu cầu của họ. Từ đó, khách hàng bị hấp dẫn bởi thương hiệu, khiến họ chủ động tìm tới sản phẩm của doanh nghiệp, thôi thúc họ thực hiện hành vi chuyển đổi.
Inbound Marketing bao gồm những gì?
Inbound Marketing hoàn chỉnh là một quy trình gồm bốn yếu tố:
Attract (Thu hút): Thu hút khách hàng mục tiêu bằng những nội dung có giá trị. Nội dung được xây dựng dựa trên việc nắm bắt tâm lý khách hàng, hiểu được nhu cầu mong muốn của họ. Qua đó, xây dựng niềm tin và thu hẹp khoảng cách giữa khách hàng và thương hiệu.
Convert (Chuyển đổi): Sau khi khách hàng bị thu hút bởi giá trị của những nôi dung mà doanh nghiệp mang lại, cần xây dựng thêm những nội dung mới như nhận ưu đãi, sản phẩm miễn phí…, tạo cú hick cho hành trình trải nghiệm của họ và thuyết phục họ để lại thông tin liên lạc cá nhân.
Close (Bán hàng): Chăm sóc tệp khách hàng tiềm năng đã thu thập được, chuyển đổi họ thành người mua hàng thực sự. Với yếu tố này, doanh nghiệp cần phân tích hành vi khách hàng để lựa chọn thời điểm thích hợp thúc đẩy quá trình mua hàng thông qua email marketing, remarketing.
Delight (làm hài lòng): tạo lý do để khách hàng quay lại mua sản phẩm, dịch vụ nhiều lần, luôn cung cấp những nội dung hữu ích cho khách hàng, giúp họ thỏa mãn thông tin để giải quyết vấn đề. Đồng thời, thắt chặt mối quan hệ giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Ba giai đoạn cốt lõi của Inbound Marketing
Trong Inbound Marketing có ba giai đoạn cốt lõi. Ở mỗi giao đoạn, doanh nghiệp cần xem xét lựa chọn các công cụ hỗ trợ cùng kênh tiếp thị phù hợp để tối ưu hiệu quả.
Thu hút sự chú ý (Attract)
Giai đoạn Attract trong Inbound Marketing tập trung vào việc tạo lập và phát triển nội dung để tiếp cận khách hàng. Thay vì ép buộc khách hàng làm quen với doanh nghiệp, hãy thu hút sự chú ý của họ và cung cấp các giá trị cần thiết trước khi họ muốn có được những giá trị khác.
Doanh nghiệp có thể sử dụng mô hình marketing mix 4P xác định được chính xác những nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Cung cấp nội dung hữu ích đáp ứng nhu cầu, mong muốn đó và giúp thu hút được lượng lớn đối tượng mục tiêu thông qua những thông tin giá trị. Loại bỏ một số rào cản khi khách hàng tìm hiểu về thương hiệu, giúp họ tìm kiếm thương hiệu dễ dàng.
Hướng tới mục đích thu hút sự chú ý của người dùng, doanh nghiệp nên tạo những bài viết chia sẻ về các thông tin giúp khách hàng giải quyết vấn đề của họ, hướng dẫn sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp, chi tiết về các chương trình ưu đãi, những dẫn chứng thuyết phục… được đăng trên website và các nền tảng mạng xã hội.
Một số công cụ và kênh tiếp thị doanh nghiệp cần đầu tư trong giai đoạn này bao gồm: SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), Social Marketing (Facebook, Youtube…), Content Marketing nhằm tạo cho khách hàng những ấn tượng tốt về thương hiệu và tự nguyện gắn kết, chuyển sang giai đoạn Engage.
Kết nối, tiếp cận (Engage)
Giai đoạn Engage là thời điểm xây dựng mối quan hệ thân thiết, bền vững với khách hàng. Doanh nghiệp cần giao tiếp với khách hàng một cách tinh tế, thường xuyên cung cấp cho họ những thông tin giá trị, khiến họ gắn kết với sản phẩm và tăng khả năng quay lại mua chúng.
Trong Inbound Marketing, giai đoạn này không phải là giai đoạn bán sản phẩm mà là bán giải pháp, chỉ dẫn khách hàng hướng giải quyết vấn đề. Do đó, mục tiêu chính của giai đoạn này là tăng tương tác và tăng sự hứng thú với sản phẩm, thúc đẩy sự chuyển đổi.
Những hoạt động mà doanh nghiệp nên đầu tư khi tương tác, tiếp cận khách hàng:
- Kêu gọi hành động (Call to Action) : doanh nghiệp tạo ra những nội dung hấp dẫn, thu hút, khuyến khích họ thực hiện hành động bằng cách nhấp vào những nút hoặc link liên kết như: Đặt hàng, Thanh toán, Đăng ký tham gia…
- Trang đích (Landing Pages): tạo những content được chắt lọc có giá trị để đưa khách hàng đến trang đích, thuyết phục người dùng điền thông tin vào biểu mẫu chuyển đổi nhằm mục đích thu thập Lead (thông tin đối tượng mục tiêu).
- Biểu mẫu chuyển đổi (Form): cần thiết kế form bắt mắt và chất lượng, chứa đầy đủ những thông tin hữu ích, dễ nhìn thấy trên trang, thể hiện chính xác những gì người dùng muốn nhận như: nhận sản phẩm miễn phí, tải tài liệu miễn phí,… để tối ưu chuyển đổi.
Đảm bảo sự kỳ vọng (Delight)
Chốt sales, chăm sóc khách hàng và đảm bảo sự hài lòng lâu dài của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp là giai đoạn cốt lõi cuối cùng của Inbound Marketing.
Để giữ chân khách hàng và thuyết phục khách hàng quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn, doanh nghiệp cần xác định xem họ đang ở đâu trên Customer Journey (hành trình khách hàng). Thông qua đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn những công cụ và kênh tiếp thị phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng họ và tiến hành chốt sales.
Lợi ích khi doanh nghiệp sử dụng Inbound Marketing
Ưu điểm mạnh nhất của Inbound marketing là tiếp thị nội dung tự nhiên, không làm phiền đến khách hàng. Khách hàng sẽ là người chủ động tìm kiếm doanh nghiệp qua các công cụ tìm kiếm. Đây là phương pháp tiếp thị trực tuyến bền vững với mục đích tiếp cận và chuyển đổi khách hàng hiệu quả.
Ngoài ra, những lợi thế khác của doanh nghiệp khi sử dụng Inbound Marketing được kể đến như:
- Doanh nghiệp tiết kiệm được khoản lớn chi phí quảng cáo, đồng thời đạt hiệu quả tiếp thị cao hơn.
- Thu hút khách hàng tự nhiên, tăng traffic (lượt truy cập) vào website.
- Biến đổi lượt truy cập thành tệp khách hàng tiềm năng chất lượng.
- Thông qua các công cụ tìm kiếm, doanh nghiệp luôn có mặt khi khách hàng cần.
- Gia tăng doanh số bán hàng.
- Tạo niềm tin cho khách hàng, gây dựng uy tín và thiết lập lòng trung thành với thương hiệu.
- Tăng tính cạnh tranh, giữ vững vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
Các bước tạo chiến dịch Inbound Marketing hiệu quả
Để tạo ra một chiến dịch Inbound Marketing thành công, thu hút và làm hài lòng đối tượng mục tiêu, cần thực hiện theo các bước sau:
- Nghiên cứu khách hàng: xác định đối tượng mục tiêu. Tìm hiểu người dùng bao gồm các yếu tố: nhân khẩu học, tâm lý, hành vi, đặc điểm kinh tế xã hội, nỗi đau… bằng việc phân tích từ các dữ liệu khách hàng hiện có hoặc khảo sát thông tin khách hàng qua các công cụ trực tuyến.
- Xây dựng nội dung: tạo những nội dung hữu ích có giá trị cho khách hàng thông qua những bài viết, blog, hình ảnh, video hoặc thường xuyên chia sẻ nội dung trên Social Media… để khách hàng có thể tự tìm kiếm bằng các công cụ trực tuyến.
- Tối ưu hóa SEO: tạo trang web chuyên nghiệp, dễ sử dụng. Sau đó, tối ưu hóa trang web cho các công cụ tìm kiếm để khách hàng dễ dàng tìm thấy nội dung của doanh nghiệp.
- Tích cực tương tác với khách hàng: xác định các kênh truyền thông mà đối tượng mục tiêu thường xuyên sử dụng để xây dựng nội dung phù hợp và đẩy mạnh khả năng tương tác với khách hàng. Các phương tiện truyền thông xã hội kết nối với khách hàng như quảng cáo trực tuyến, facebook, google…
- Nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng: sau khi thu hút một lượng lớn khách hàng tiềm năng, muốn họ chuyển đổi thành khách hàng thì cần có chiến dịch nuôi dưỡng họ bằng Email Marketing. Những email nhắm đúng mục tiêu và cung cấp được giá trị đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của khách hàng tiềm năng sẽ tăng tỷ lệ chuyển đổi.
- Giám sát và đo lường kết quả: xem xét và so sánh kết quả với mục tiêu ban đầu đề ra để đánh giá và phân tích kết quả hiện tại và mức độ phù hợp của chiến lược Inbound Marketing. Từ đó, đưa ra những cải thiện cần thiết để tối ưu hiệu quả.
Sự khác biệt giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing
Inbound Marketing và Outbound Marketing là hai phương pháp tiếp thị hoàn toàn trái ngược nhau. Hai phương pháp này không phân chia rạch ròi về các nền tảng quảng cáo nhưng cách thức phối hợp các kênh quảng cáo lại khác nhau. Để phân biệt được hai hình thức marketing này, trước tiên bạn cần hiểu khái niệm của Outbound Marketing.
Outbound Marketing là gì?
Outbound Marketing là phương pháp tiếp thị thu hút các đối tượng mục tiêu bằng cách tích cực gởi thông điệp của thương hiệu đến đám đông, mặc dù trong số đó có người không thuộc nhóm khách hàng tiềm năng.
Outbound Marketing còn được hiểu là phương pháp tiếp thị truyền thống, bao gồm tất cả các hình thức hoạt động như:
- Quảng cáo trên radio, tivi.
- Các cuộc gọi tiếp thị bán hàng.
- Gửi email bán hàng.
- In ấn tờ rơi, catalogue phân phát khắp nơi.
- Đặt biển quảng cáo billboards.
- Tổ chức các sự kiện để PR sản phẩm.
- Quảng cáo Google Display.
Sự khác nhau giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing
Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt của hai phương pháp tiếp thị Inbound Marketing và Outbound Marketing, hãy so sánh các yếu tố dưới đây:
Đối tượng khách hàng
Outbound Marketing nhắm tới mọi đối tượng khách hàng, gây lãng phí tài nguyên. Trong khi Inbound Marketing chỉ hướng tới những khách hàng thực sự có nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Cách thức tiếp cận và giao tiếp với khách hàng
Outbound Marketing là phương thức tương tác một chiều với khách hàng. Doanh nghiệp cung cấp thông tin và truyền tải thông điệp đến người dùng, bắt buộc họ phải tiếp nhận cho dù không hứng thú.
Inbound Marketing là phương thức tương tác hai chiều giữa khách hàng và doanh nghiệp. Doanh nghiệp tạo ra những thông tin hữu ích dựa trên những phân tích về hành vi, nỗi đau, nhu cầu mong muốn của khách hàng nhằm mục đích phục vụ nhu cầu tìm kiếm của người dùng, dẫn dắt và thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp.
Hành vi của khách hàng ngày nay đã thay đổi, mọi người muốn chủ động lựa chọn và tiếp nhận những thông tin thật sự cần thiết, thay vì bị động tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp. Đồng thời, ngành truyền thông trực tuyến liên tục phát triển cùng với việc sử dụng internet rộng rãi, người tiêu dùng luôn nhận được sự tương tác hai chiều thì hình thức marketing truyền thống có thể gây spam thông tin và không chiếm được nhiều ưu thế.
Thông điệp truyền tải đến khách hàng
Với Outbound Marketing, thông điệp truyền tải đến khách hàng thường nhắm đến trọng tâm của sản phẩm bao gồm các đặc điểm, tính ưu việt, chính sách ưu đãi… và phần nhỏ là các thông tin hữu ích có liên quan đến sản phẩm.
Ngược lại, Inbound Marketing cung cấp những nội dung, thông tin giá trị nhằm giải quyết những vấn đề mà khách hàng tiềm năng gặp phải nhằm mục đích nuôi dưỡng, chăm sóc khách hàng và gửi gắm thông điệp về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Mục đích tiếp thị
Mục đích tiếp thị của Outbound Marketing là tìm kiếm khách hàng. Outbound Marketing làm mọi cách để thông điệp quảng cáo có thể gây được sự chú ý của khách hàng, mong muốn tìm ra khách hàng tiềm năng, tối đa hóa khả năng mua hàng dù họ chỉ lướt qua những thông tin đó. Nói cách khác, Outbound Marketing nói về cách khách hàng mang lại lợi ích kinh doanh cho doanh nghiệp.
Inbound Marketing hướng đến việc lấy khách hàng làm trọng tâm, tập trung vào những lợi ích doanh nghiệp mang lại, thu hút khách hàng tự tìm đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Qua đó, triển khai mọi hoạt động marketing dựa trên nhu cầu của khách hàng nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ bền vững giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Kênh triển khai
Outbound Marketing là phương pháp tiếp thị truyền thống kết hợp hiện đại, nên khách hàng tìm thấy doanh nghiệp trên các banner quảng cáo, tivi, radio, telesale… Việc quảng cáo trên diện rộng, không hướng đến hành vi tìm kiếm của khách hàng khiến phương pháp này khó tiếp cận mục tiêu cụ thể.
Inbound Marketing khai thác các kênh tiếp thị trên nền tảng số: SEO, Social Marketing, Email Marketing… Doanh nghiệp chỉ cần tạo những nội dung đa dạng, hữu ích và đợi khách hàng quan tâm tự tìm đến qua các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội.
Từ những sự khác biệt trên, dễ dàng nhận thấy Inbound Marketing là phương pháp tiếp thị tiết kiệm chi phí, nhắm đến đúng đối tượng mục tiêu, giúp khách hàng hiểu rõ những thông tin họ tìm kiếm trước khi ra quyết định mua hàng.
Tuy nhiên, nếu Inbound Marketing mang khách hàng đến cho doanh nghiệp thì Outbound Marketing mang doanh nghiệp đến cho khách hàng. Do đó, chiến lược marketing hiệu quả nhất là kết hợp cả hai phương pháp tiếp thị Inbound Marketing và Outbound Marketing.
Kết luận
Inbound Marketing là phương pháp tiếp thị hiệu quả cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn xây dựng thương hiệu, tạo sự tương tác bền vững với khách hàng thông qua việc phân tích hành vi, nắm bắt tâm lý và sở thích, hành vi của họ. Inbound Marketing tập trung vào giá trị, lợi ích thực sự doanh nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng, đem đến những cơ hội giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin với khách hàng, đưa doanh nghiệp phát triển.
Xin chào, mình là Founder & CEO của Di Brother, team mình cung cấp các giải pháp marketing cho các doanh nghiệp, cá nhân cần tối ưu hóa bộ phận Marketing. Khi sử dụng bất cứ dịch vụ nào, các bạn cũng đều được tư vấn kỹ lưỡng về chiến lược thương hiệu để có cái nhìn tổng quát về mục tiêu sẽ đạt được.
Bài viết liên quan